Cập nhật lúc:
23/04/2021 16:35
Một trong năm
giá trị cốt lõi của Văn hóa Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là “Tận
tâm”. Tận tâm trong Văn hóa EVNNPT có nghĩa là: “Các tổ chức và cá nhân trong EVNNPT luôn cố gắng mang hết sức lực
và trí tuệ để giải quyết công việc hiệu quả, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn,
thách thức để đạt được mục tiêu đề ra; luôn hành động vì lợi ích và sự phát
triển của EVNNPT”.
Để hiểu ý nghĩa sâu sắc của giá trị
tận tâm trong Văn hóa EVNNPT, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem “tận tâm” nghĩa là
gì, vai trò của tận tâm trong công việc là gì.
Trước hết, “tận” có nghĩa là tận
cùng, hết mức có thể; “tâm” có nghĩa là tâm huyết, tấm lòng. Tận tâm là cố
gắng hết sức, làm hết trách nhiệm và hết khả năng của bản thân để đạt được kết
quả tốt đẹp. Tận tâm là sự cam kết đạt được mục tiêu đến cùng bất chấp mọi gian
khổ. Do vậy, tận tâm là cố gắng hết khả năng, sức lực, tâm huyết, để làm một
công việc nào đó đạt đến kết quả cuối cùng và dám chịu trách nhiệm.
Một người làm
việc tận tâm bắt nguồn từ mong muốn không chỉ là hoàn thành công việc mà còn là
cống hiến hết mình cho việc đó. Họ sẽ không dành nhiều thời gian công sở cho các
công việc cá nhân như tán gẫu, lướt mạng xã hội... mà sẽ dành toàn bộ thời gian
để làm việc. Họ theo dõi công việc liên tục một cách tự giác, không chờ “khi nước
đến chân mới nhảy”. Họ thường xuyên quan tâm đến từng chi tiết, từng giai đoạn
của công việc, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được giao bằng sự tỉ mỉ, chân
thành. Nhờ đó, công việc được thực hiện một cách có tổ chức, khoa học, sáng tạo.
Tất nhiên, hiệu quả và chất lượng của công việc sẽ cao hơn.
Một nhân viên
tận tâm với công việc sẽ không trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện
nhiệm vụ. Nhân viên đó nhận thức được rõ ràng việc mình phải làm, dồn tâm huyết
của mình nhằm hoàn thành; dù gặp khó khăn cũng không nao núng, mà kiên trì tìm
cách giải quyết bằng được. Họ thường xuyên học tập nâng cao trình độ, chủ động,
sáng tạo trong công việc nhằm hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao.
Trong thời đại
hiện nay, sự cạnh tranh khốc liệt về công việc không còn gói gọn trong phạm vi nhỏ
một thành phố, mà mở ra tầm quốc gia, khu vực quốc tế. Vì thế, mỗi một cán bộ,
công nhân viên sẽ phải tự rèn luyện, trang bị tốt hơn nữa những kiến thức, kỹ
năng cần thiết nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Điều quan trọng
nhất là, mỗi cá nhân cần phải duy trì sự tận tâm, thậm chí tận tâm hơn nữa với công
việc của mình. Một cá nhân tận tâm với công việc sẽ thúc đẩy cả tập thể tận tâm
với công việc. Một tập thể tận tâm sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp
phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng uy tín cho tổ chức. Ngược lại, khi
doanh nghiệp có lợi nhuận và uy tín cao, người hưởng lợi nhiều nhất chính là những
cá nhân đã tận tâm vì doanh nghiệp.
Đối với cán bộ
công nhân viên tại EVNNPT nói chung và tại Ban Quản lý dự án các công trình điện
miền Bắc nói riêng, sự tận tâm của mỗi cá nhân đều tích lũy cho họ những giá trị
vô hình: Trải nghiệm, kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng. Thái độ tận tâm cũng góp
phần nâng cao uy tín của mỗi cá nhân, tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp trong
tương lai. Những giá trị đó đã gây dựng và nuôi dưỡng trong mỗi người tâm thái hứng
khởi, niềm tự hào, sự cam kết gắn bó và đồng hành với sự phát triển của tổ chức,
của đơn vị./.
Ngọc Minh
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)